Thuế suất cuối cùng vụ kiện trợ giá tôm

Bộ Thương Mại Mỹ hôm qua 13/8/2013 đã đưa ra quyết định thuế suất cuối cùng cho vụ kiện chống trợ cấp tôm mà Liên Minh Ngành Tôm (Coalition Shrimp Industries) đại diện cho các ngư dân, nhà chế biến tôm của một số bang miền Nam Hoa kỳ đứng đại diện nộp đơn kiện một số nước xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ hồi năm rồi.

Vụ kiện trợ giá tôm (Shrimp CVD (Countervailing Duty) case) này nêu bảy nước xuất tôm nhiều nhất vào Hoa Kỳ đã nhận được các trợ giá khác nhau từ nhà nước làm cho tôm nhập khẩu từ các nước này đã gây thiệt hại cho ngành tôm nội địa. Theo thứ tự giá trị tôm đã nhập vào Mỹ năm 2012, bảy nước này có doanh số là: Thái Lan 1,1 tỉ USD, Indonesia- 634 triệu, Ấn Độ- 551 triệu, Ecuador- 500, Việt Nam 426, Mã Lai – 142 và Trung Quốc- 102 triệu USD.

Thuế suất cuối cùng đã biểu quyết theo thứ tự từ cao đến thấp là Mã lai: từ 10.8% đến 54.5%, Trung Quốc: 18,16%, Ecuador: 10,13 đến 13,51%, Việt Nam: đến 7,88%  (hai công ty bị đơn bắt buột là Minh Quí: 7,88%, Nha Trang Seaproduct Co: 1,15%  và các bị đơn hưởng thuế suất riêng: 4.52%) và  cuối cùng Ấn Độ: 5,54 đến 6,16%. Hai nước không bị gán thuế suất nào là hai nước dẫn đầu giá trị xuất vào Mỹ năm 2012 (Thái Lan và Indonesia). 

Theo lịch trình thì quyết định cuối cùng này sẽ hiệu lực sau khi được Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế thuộc Bộ Thương Mại Hoa kỳ phê chuẩn vào tháng 9 tới đây.

Phần lớn các nước trong vụ kiện chống trợ cấp cũng là những nước đã chịu thuế suất chống phá giá tôm. Nếu ở trường hợp này, họ phải chịu thuế 2 lần cho một mặt hàng, nên giá thành sản phẩm sẽ cao thêm. Việc này ảnh hưởng nặng nề cho những nước chịu thuế suất cao hay tương đối cao, vì giá cả mặt hàng sẽ mất tính cạnh tranh đến mức thậm chí không thể xuất sang Mỹ nữa. Malaysia nằm trong trường hợp này, còn Trung quốc thì cũng bị ảnh hưởng nặng. 

Đối với thị trường Mỹ và người tiêu dùng Mỹ thì sao?

Theo nhận định thì tình hình chung về thị trường tôm Mỹ sẽ không biến động gì nhiều sau khi có lệnh áp thuế chống trợ cấp. Hàng nhập vẫn phải vào với số lượng lớn, người tiêu dùng tuy phải chi cao hơn chút ít, nhưng không đáng kể  (theo John Sackton của báo mạng seafood.com mức tăng thêm là 1,9%, xin đọc chi tiết phân tích của John Sackton tại http://www.undercurrentnews.com/2013/05/30/us-shrimp-consumers-will-be-unaffected-by-cvd-case/#.Ugr2o3Ptnb4. Đó là vì các nước có thuế suất cao lại có vị trí là nhà cung cấp không quan trọng mấy  (Malaysia có hai công ty bị điều tra, trong đó một công ty đã đóng cửa phải thay bằng công ty khác, một công ty bị xem là không hợp tác với cuộc điều tra nên bị án thuế suất bất lợi cao nhất, nhưng giá trị xuất thì chỉ có 4,1% trong số các nước bị kiện, còn Trung Quốc thì có giá trị xuất tôm vào Mỹ nhỏ nhất trong năm 2012, thậm chí còn nhỏ hơn cả Malaysia).

Rút lại người ta sẽ thấy ngành tôm èo uột của Mỹ cũng sẽ không cải thiện được gì cả sau khi có thuế chống trợ cấp này. Ngành tôm Mỹ chỉ có thể hồi phục bằng con đường khác chứ không thể bằng tiền thuế chống phá giá hoặc chống trợ giá. John Sackton đã viết câu kết cho bài phân tích của mình, “nhóm vùng Vịnh qua thuế chống trợ giá lần này chẳng nói lên được điều gì hay ho cả, nó chỉ thành công trong việc làm tiêu mòn thêm lòng tin của người tiêu dùng [Mỹ] vào thị trường tôm Mỹ”.

Tiếng Việt